+ Đầu tiên phải nói đến đó là yếu tố con người, tại FUJINET SYSTEMS thì mọi người đối xử với nhau rất tốt, bạn luôn nhận được sự hỗ trợ từ cấp trên và đồng nghiệp một cách nhiệt tình, mọi người luôn quan tâm, giúp đỡ, làm cho bản thân luôn cảm thấy vui vẻ thoải mái khi đến công ty.
+ Ngoài ra công ty hiện phát triển rất bền vững và ổn định, tạo cảm giác yên tâm để có thể làm việc lâu dài và gắn bó.
1. LÀM VIỆC TỪ NHỮNG THỨ CĂN BẢN NHẤT
Khi bạn đang viết code, hãy cố chắc chắn rằng bạn hiểu tất cả dòng code mà mình viết ra. Điều tương tự cũng cần làm cho bất kỳ dòng code nào mà bạn đọc.
Khi viết ra những đoạn code, hãy làm chậm rãi và đảm bảo rằng bạn hiểu nó.
Bất cứ điều gì mà bạn không hiểu, thì hãy tìm hiểu và làm rõ nó.
Hãy dành thời gian làm điều này thì bạn sẽ không bị hổng kiến thức và mơ hồ về sau này
2. LUÔN ĐẶT RA NHỮNG CÂU HỎI (TẠI SAO? NHƯ THẾ NÀO?) VỚI MỌI ĐOẠN CODE MÀ BẠN VIẾT RA
Đôi khi chúng ta viết ra những đoạn code mà chỉ biết láng máng rằng nó sẽ đáp ứng được yêu cầu công việc.
Điều này sẽ làm bạn mất nhiều thời gian để kiểm chứng tính đúng đắn của program khi test.
Hãy hiểu biết chính xác và lựa chọn phương pháp tốt nhất cho cài đặt của bạn trong sự cân nhắc thời hạn hoàn thành phần mềm.
Hãy biến nguyên tắc này trở thành một thói quen tốt trong công việc.
3. BẠN HỌC ĐƯỢC NHIỀU HƠN BẰNG CÁCH GIÚP ĐỠ NHỮNG NGƯỜI KHÁC
Trong một nhóm làm việc, bạn hãy giúp những người khác giải quyết những vấn đề của họ.
Việc hiểu được những vấn đề của người khác trong ngữ cảnh của họ, tìm hiểu và cung cấp những giải pháp cho vấn đề đó sẽ giúp bạn học được rất nhiều
4. VIẾT NHỮNG DÒNG CODE ĐƠN GIẢN, DỄ HIỂU VÀ CÓ LOGIC
Mã lệnh ta viết không chỉ mình ta đọc, mà để dành cho cả team cùng đọc.
Vì vậy, luôn giữ trong lòng, rằng mọi thứ ta lập trình cần phải giữ được sự đơn giản, dễ hiểu, gọn gàng, tinh tế và dễ dàng sửa đổi hoặc thay thế.
Làm ra một mớ xà bần không khó, nhưng tạo ra những thứ dễ hiểu đối với tất cả mọi người là một nghệ thuật.
5. HÃY DÀNH NHIỀU THỜI GIAN HƠN ĐỂ PHÂN TÍCH VẤN ĐỀ, BẠN SẼ CẦN ÍT THỜI GIAN HƠN ĐỂ SỬA LỖI
Bạn hãy dành nhiều thời gian hơn để hiểu, phân tích thấu đáo vấn đề và thiết kế giải pháp cho nó.
Bạn sẽ nhận thấy phần việc còn lại chỉ bao gồm những thứ tương đối dễ làm
6. HÃY LÀ NGƯỜI ĐẦU TIÊN PHÂN TÍCH VÀ XEM XÉT NHỮNG DÒNG CODE CỦA CHÍNH MÌNH
Nhìn lại mã lệnh mình vừa viết là một thói quen cực tốt. Việc này có thể cải tiến được cài đặt và tránh lỗi trước khi người khác phát hiện ra.
Cũng không nên ngại ngần khi để người khác review code. Tiếp thu những phản hồi từ bên ngoài sẽ giúp bản thân ngày càng tiến bộ hơn.
7. GIẢI PHÁP TẠM THỜI SẼ KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ LÂU DÀI
Nhiều lập trình viên đưa ra những giải pháp tình thế để giải quyết vấn đề (do thiếu thời gian, không hiểu đúng vấn đề, hoặc thiếu kinh nghiệm).
Nhưng về lâu dài, những giải pháp đó sẽ làm hỏng code, khiến nó khó mở rộng và bảo trì.
Hãy luôn cố gắng thực hiện một cách tổng thể. Chỉ nên bắt đầu công việc khi đã hiểu rõ đầu vào- đầu ra của giải pháp.
8. HÃY ĐỌC THẬT NHIỀU TÀI LIỆU
Việc đọc nhiều tài liệu giúp bạn tạo ra những nền tảng vững chắc và từ đó bạn sẽ lập trình theo cách tốt nhất có thể
Để tránh việc đọc tràn lan, tốn công sức và thời gian, các bạn hãy lưu ý các vấn đề sau:
- Xác định rõ mục đích của việc đọc: Đọc để giải quyết vấn đề gì
- Xác định rõ phạm vi các vấn đề cần phải giải quyết thông qua đọc.
- Xác định trình tự tìm hiểu nội dung các vấn đề cần giải quyết, trình tự đọc các cuốn sách và các phần trong cuốn sách đã chọn.
9. BẠN CÓ THỂ HỌC TỪ NHỮNG DÒNG CODE CỦA NGƯỜI KHÁC
Hãy trao đổi với những lập trình viên khác, đọc chương trình của họ về những đoạn code mà họ viết về phần mềm ứng dụng hay phần mềm quản lý.
Cách thức tổ chức code, cấu trúc thuật toán,… Điều này còn quan trọng hơn bất kì quyển sách hay khóa đào tạo nào.
Kiến thức chuyên môn:
Để phù hợp hơn với doanh nghiệp thì sinh viên cần tập trung nhiều vào đồ án thực tế, chứng minh được cho nhà tuyển dụng là bạn đã tham gia nhiều dự án thực tế 3, 5 tháng... Khi tham gia dự án thực tế thì các em mới vận dụng được những kiến thức từ các môn học, kiến thức công nghệ.
Kỹ năng và ngoại ngữ:
Việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong một xã hội hiện đại. Để phát triển nghề nghiệp phải có ý thức mở rộng kiến thức chuyên môn, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến và áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Ngoại ngữ thì rất quan trọng, giúp cho việc giao tiếp với khách hàng trôi chảy, cởi mở và từ đó mà công việc phát triển, tạo được mối quan quan hệ tốt với khách hàng.
Việc có bầu không khí vui tươi, thoải mái khi làm việc là 1 việc rất hạnh phúc. Vì 1/3 thời gian trong ngày là làm việc tại công ty nên mình xem các bạn như thành viên trong gia đình, công việc khó khăn thì cùng nhau phân tích, giải quyết. Đồng thời, cùng chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, những thành công trong công việc để tạo động lực phát triển. Ngoài ra, việc tạo ra thời gian thư giãn cũng như những chuyến du lịch dài ngày hay những hoạt động vui chơi chung, tiệc liên hoan cũng là những yếu tố góp phần tăng lên tinh thần làm việc cho 1 tổ chức.
1 – Tự tin và chủ động thảo luận với các thành viên cũ và mới trong tổ chức.
2 – Cố gắng làm việc teamwork, không nên làm việc độc lập, khép kín bản thân.
3 – Lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của mọi người.
4 – Tích cực tham gia vào các hoạt động và phong trào chung của tổ chức.
Em rất thích học ngoại ngữ cho nên vào năm cuối cấp 3 em đã chọn theo học tiếng Nhật. Khoảng thời gian vừa mới tốt nghiệp đại học em đã rất phân vân về việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình. Em không biết mình nên đi dạy ở trung tâm? Dịch truyện tranh cho nhà xuất bản? Hay là nên làm biên - phiên dịch tại các công ty Nhật? Và cuối cùng em đã chọn ngành Biên- Phiên dịch tiếng Nhật vì em nghĩ nó phù hợp với tính cách hướng nội của mình.
Em khá là may mắn khi có cơ hội được làm việc ở công ty khách hàng 3 tháng. Cùng đi với em đợt đó còn có 4 bạn lập trình nữa. 3 tháng thì không phải là 1 khoảng thời gian quá dài nhưng mà em đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm. Em đã học hỏi được cách làm việc của người Nhật, cách giao tiếp ứng xử trong môi trường làm việc của người Nhật. Vì đây là lần đầu tiên em đi onsite cho nên cũng có nhiều việc em không hiểu và gây phiền phức cho phía khách hàng, nhưng mà khách hàng lại chỉ bảo, hướng dẫn cho em rất nhiệt tình, cho nên em thật lòng rất biết ơn. Trong thời gian làm việc trực tiếp với khách hàng thì em cảm thấy dường như bức tường ngăn cách mà đã tồn tại từ trước đó cũng biến mất.
Giữa các thành viên trong nhóm và khách hàng thì không còn khoảng cách như trước đây nữa. Trong lúc làm việc nếu có vấn đề gì thắc mắc thì có thể confirm trực tiếp với khách hàng bất kỳ lúc nào, cho nên công việc cũng tiến hành trôi chảy hơn.
Điều đặc biệt là vào mỗi buổi chiều tối thì nhóm còn được khách hàng dạy cho những từ vựng tiếng Nhật khó. Kết quả là sau 3 tháng thì lượng từ vựng tiếng Nhật của các member tăng lên đáng kể.
Ngoài ra, mỗi ngày đều có thể nói chuyện trực tiếp với khách hàng, cho nên khả năng giao tiếp cũng được nâng cao và cũng quen dần với cách nói chuyện của khách hàng. Thêm vào đó, khi làm việc bên công ty khách hàng thì nhóm còn có cơ hội giao lưu với các member của team khác. Họ đều rất là thân thiện và dễ mến.
Sau 3 tháng thì em đã cảm nhận được sự trưởng thành của bản thân.
Nếu bạn muốn trở thành Biên - Phiên dịch thì bạn cần trang bị những kiến thức, kỹ năng sau:
・Có kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ mẹ đẻ và tiếng Nhật để chuyển tải nội dung hợp lý, không dịch quá sát.
・Có kiến thức về các lĩnh vực mà mình đang được giao nhiệm vụ biên - phiên dịch.
・Có kiển thức rộng về văn hóa, xã hội, con người của 2 quốc gia, bằng cách liên tục cập nhật những thông tin mới.
Vậy nên nếu có niềm đam mê đối với công việc này thì các bạn hãy trang bị những kiến thức cần thiết cho mình ngay từ bây giờ nhé!
Theo tôi là một Biên / phiên dịch làm việc tại FUJINET SYSTEMS, ngoài khả năng tiếng Nhật ra, để truyền đạt nội dung dịch chính xác và dễ hiểu trước hết cần phải GIỎI tiếng Việt và hiểu rõ về văn hóa Nhật Bản.
Ngoài ra, cần trau dồi thêm kiến thức IT, biết qua các khái niệm về các nghiệp vụ như là nghiệp vụ kế toán, quản lý kho, quản lý sản xuất v.v... Càng trang bị thêm được nhiều thì công việc của bạn sẽ bớt áp lực bấy nhiêu và cảm thấy thích thú hơn.
Riêng đối với người phiên dịch thì do công việc có tính đáp ứng tức thời nên không có thời gian để tra cứu, hoặc hỗ trợ bên ngoài, để có được tự tin bạn cần có sự chuẩn bị, nắm bắt trước nội dung của cuộc họp. Ngoài ra, rèn luyện thêm sự tập trung trong thời gian dài, kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ v.v...
Với những điều trên tôi nghĩ bạn sẽ trở thành một phiên dịch không chỉ làm việc tốt tại FUJINET SYSTEMS mà còn ở các công ty khác.
Điều giúp tôi có thể gắn bó với FUJINET SYSTEMS được thời gian dài như vậy thì yếu tố trước hết là công việc. Tôi đã có được công việc phù hợp với khả năng và phát triển được tiềm năng của mình khi làm việc tại FUJINET SYSTEMS.
Điều mà không thể thiếu kế đến đó là môi trường làm việc. Công ty FUJINET SYSTEMS với đội ngũ quản lý là người Việt, điều này giúp tôi cảm thấy an tâm, không bị áp lực về vấn đề hoàn cảnh gia đình cũng như các vấn đề về cá nhân (vì người Việt với người Việt có thể dễ thông cảm hơn! )
Trong công việc, tôi được tiếp xúc, giao dịch trực tiếp với người Nhật đã giúp tôi học hỏi được cách làm việc hiện đại, khoa học và tinh thần làm việc cao độ của người Nhật. Bên cạnh đó với sự hỗ trợ của cấp trên và giao tiếp thân thiện, vui vẻ, cởi mở giữa cấp trên với cấp dưới cũng giúp tôi cảm thấy tự tin và hoàn thành tốt công việc.
Ngoài ra, với sự phát triển nhanh chóng và những thay đổi của công ty giúp tôi cảm thấy rất phấn khởi và mong muốn được đóng góp phần nhỏ bé để đáp trả những gì tôi đã nhận được từ công ty...
Hãy đặt mình vào vị trí cấp trên, bạn sẽ dễ hiểu mình phải làm gì.
Tôi nghĩ trước hết bạn phải là một nhân viên siêng năng chăm chỉ, không ngại gian khó, không tính toán thiệt hơn. Khi được cấp trên giao nhiệm vụ, bạn không nên từ chối chỉ với lý do "tôi không thể!". Vì trước khi giao nhiệm vụ, cấp trên cũng đã có suy nghĩ và cân nhắc. Công việc được giao đôi lúc là việc mới mẻ, hoặc nhiều hơn khả năng bình thường làm bạn lo lắng, nhưng đây cũng chính là những cơ hội để giúp bạn thăng tiến.
Có tinh thần học hỏi và chủ động trong công việc. Tuy nhiên, có trường hợp do chưa đủ kinh nghiệm dẫn đến sai sót thì khi bị khiển trách, trước hết bạn nên lắng nghe, nhận lỗi, đừng nên biện hộ bằng nhiều lý do.
Với thái độ và tinh thần làm việc như vậy tôi nghĩ chắc chắn bạn sẽ được cấp trên đánh giá cao.
Hãy chọn nghề nghiệp có thể gắn bó lâu dài.
Đừng vội vàng chọn 1 công việc trước mắt, có lương bổng cao, nhưng chẳng liên quan gì đến chuyên môn mà bạn đã được đào tạo.
Tận dụng và mở rộng các mối quan hệ đang có, bởi biết đâu khi có công việc thích hợp, thì bạn là người đầu tiên họ nghĩ đến.
Bạn trẻ tuổi, non kinh nghiệm, nhưng bất cứ khi nào bạn có thắc mắc, băn khoăn, hãy thể hiện quan điểm của mình với mọi người. Để bạn không phải âm thầm chịu những bức bối, và để người khác nghĩ rằng bạn là người có chính kiến.
Biết lắng nghe, sửa đổi và phát triển bản thân.
Chỉ đơn giản là trung thực. Nói những gì bạn biết và đừng cố gắng đoán mò khi bạn không hiểu rõ một loại công nghệ. Phát triển phần mềm là một lĩnh vực luôn thay đổi và cũng dễ hiểu nếu bạn không tường tận mọi khía cạnh của nó. Sự thành thật trong phỏng vấn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các ứng viên thực sự phù hợp với vị trí đó.
Hãy cố gắng coi buổi gặp mặt đó như một cuộc trò chuyện thân mật chứ không phải một cuộc phỏng vấn. Bởi các nhà quản lý tìm kiếm ứng viên có niềm đam mê học hỏi, điều quan trọng là đảm bảo để phẩm chất đó đó nổi bật lên qua cách bạn nói chuyện. Trong một cuộc phỏng vấn, bạn có thể cho họ thấy rằng, là một lập trình viên, bạn thật sự tập trung và cố gắng trau dồi không ngừng.
Và cũng chẳng mất gì khi bạn chuẩn bị thêm cho cuộc phỏng vấn bằng một bộ hồ sơ năng lực hoặc một dự án cụ thể mà bạn đã tham gia. Những yếu tố này có thể giúp người phỏng vấn hiểu hơn về kiến thức và kỹ năng của bạn.
Có một sự thật đơn giản là những nhân viên có cảm hứng làm việc sẽ đáp ứng tốt yêu cầu của công ty cũng như của khách hàng hơn những nhân viên không mặn mà với công việc mình đang làm.
Trên thực tế, hầu hết nhân viên đều muốn công việc mình làm đạt hiệu quả cao, bởi khi doanh nghiệp tăng trưởng tốt thì chính họ cũng được hưởng một phần thành quả ấy. Động lực đã có, điều họ cần là cảm hứng làm việc. Và đó chính là nhiệm vụ của trưởng nhóm, của lãnh đạo. Theo tôi, thì có thể kết nối và truyền cảm hứng cho nhân viên bằng những cách đơn giản sau:
- Tạo ra tầm nhìn đầy lạc quan.
- Kết nối nhân viên với tầm nhìn của doanh nghiệp.
- Xây dựng "văn hóa dũng cảm" khi sai lầm, hay đối mặt rủi ro.
- Khen thưởng phù hợp.
- Thể hiện sự ghi nhận, biết ơn.
Thuận lợi:
- Có thể thích ứng tốt khi làm việc với khách hàng Nhật Bản. Khi học trong trường đại học tôi đã được trang bị khá kỹ các kiến thức không chỉ về ngôn ngữ tiếng Nhật, mà còn về văn hóa xã hội, lịch sử, con người Nhật Bản, bởi vậy ngay từ lúc bắt đầu bước vào làm việc tại công ty FUJINET, vốn là công ty lập trình offshore với thị trường chính là Nhật Bản, tôi cũng không cảm thấy bỡ ngỡ lắm khi làm việc, giao tiếp với khách hàng Nhật Bản.
- Được công ty đào tạo, training các kiến thức cơ bản chuyên ngành IT trong thời gian khi mới bắt đầu vào công ty, để phục vụ cho công việc phiên dịch tốt hơn.
Khó khăn:
- Từ ngữ chuyên ngành IT. Khi còn học môn tiếng Nhật trong trường đại học, chương trình học chủ yếu xoay quanh các chủ đề chung về xã hội,
văn hóa, thường thức,… Từ ngữ chuyên môn về ngành IT thì hầu như không được học. Do đó, lúc bắt đầu vào làm phiên dịch ngành lập trình,
tôi đã mất khá nhiều thời gian để tự tìm hiểu và học hỏi nơi các anh chị phiên dịch đi trước.
- Kiến thức chuyên môn ngành lập trình. Phiên dịch chúng tôi hầu hết là tốt nghiệp từ các trường chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn, khác hẳn với đặc thù chuyên ngành khoa học tự nhiên của các bạn lập trình. Vì vậy mà khi bước vào công ty FUJINET, tôi đã phải nỗ lực học tập từ các bạn lập trình viên để có thể trang bị kiến thức chuyên ngành IT.
- Khả năng nghe nói còn hạn chế cho nên gặp khó khăn khi họp nghe giải thích chỉ thị chuyên ngành IT với khách hàng.
- Luôn luôn học hỏi trau dồi thêm nữa không chỉ là tiếng Nhật mà còn về kiến thức chuyên ngành lập trình, kiến thức xã hội, kiến thức nghiệp vụ về dự án mình đang phụ trách.
- Luôn trau dồi khả năng diễn đạt tiếng Việt sao cho trôi chảy, dễ hiểu, tự nhiên, đơn giản, diễn đạt theo ý của mình chứ không bám sát dịch theo kiểu “word by word”
- Khi dịch từ Việt sang Nhật, cố gắng sử dụng những câu đơn giản, dễ hiểu, không sử dụng câu phức.
- Luyện tập khả năng gõ máy nhanh bằng 10 ngón tay, sao cho tốc độ nhanh và chính xác.
- Tạo tài liệu từ điển chuyên ngành cho riêng mình để phục vụ cho công việc.
- Tận dụng một số “thủ thuật nhanh” trong word, excel, chẳng hạn như AutoCorrect, Replace, ReplaceAll.
- Trước khi bắt đầu dịch cần đọc sơ qua nội dung 1 lần để nắm ý chính và xem có thể áp dụng được các “thủ thuật” nào để dịch cho nhanh đỡ mất thời gian,… Sau khi dịch xong cần phải review lại nội dung đã dịch theo đúng checklist cơ bản quy định của công ty.
Hiện nay có rất nhiều các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư làm ăn tại Việt Nam, họ đánh giá khá tốt về môi trường Việt Nam, môi trường năng động, ổn định về chính trị xã hội kinh tế luôn được cải thiện tốt hơn để tăng niềm tin và khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vì thế cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên ngành tiếng Nhật mới ra trường là không nhỏ. Quan trọng là các bạn đã trang bị cho mình đủ kiến thức về ngôn ngữ cũng như các yêu cầu đáp ứng nghiệp vụ để có thể nắm bắt cơ hội cho mình và phát triển nó. Các bạn đừng lo lắng quá về việc mình chưa có kinh nghiệm làm việc, môi trường làm việc có phù hợp không, có ổn định không,… Có câu: “Vạn sự khởi đầu nan”, hãy cố gắng áp dụng tốt những kiến thức mình đã học được trong trường học và qua thời gian làm việc bạn sẽ tích lũy kinh nghiệm quý báu cho bản thân mình. Tôi nghĩ nhất định bạn sẽ không phải thất vọng về lựa chọn của mình.
Trong lúc làm việc thì theo tôi nghĩ điểm khó khăn mà mọi người thường hay gặp phải là vấn đề ngoại ngữ. Đối với bản thân tôi, đã có hơn 2 năm kinh nghiệm làm việc trong môi trường tiếng Nhật. Ban đầu khi đi làm PM giao cho một mớ tài liệu về Framework và chỉ thị của khách hàng. Tất cả toàn tiếng Nhật, tôi cảm thấy rất là bỡ ngỡ. Thật may mắn là có phiên dịch nhưng IT không phải là chuyên môn của họ nên đôi khi cách truyền đạt của họ rất khó hiểu khiến tôi mất rất nhiều thời gian trong việc đọc tài liệu, chỉ thị. Đôi khi đọc xong cũng không hiểu là nó nói cái gì. Tôi quan sát thử xung quanh thì thấy các bạn mới đi làm cũng giống như mình, riêng một số bạn đã biết tiếng Nhật thì họ tiếp thu rất nhanh, đối ứng rất tốt. Tôi nghĩ nếu tôi biết tiếng Nhật thì chắc sẽ khá hơn. Rồi tôi bắt đầu học tiếng Nhật. Lúc đầu học thì nhìn thấy nó rất là khó, tôi nghĩ người khác làm được thì mình cũng sẽ làm được. Rồi tôi cố gắng và cuối cùng cũng đạt được kết quả mà mình mong muốn. Bây giờ trình độ tiếng Nhật tôi tuy chưa phải là giỏi lắm nhưng tôi đã không còn bỡ ngỡ khi gặp tài liệu tiếng Nhật nữa, không phải tốn nhiều thời gian để đọc chỉ thị nữa, đôi khi tôi còn phát hiện được chỉ thị của họ viết sai. Tóm lại, điều tôi muốn nói với các bạn là ngoại ngữ là rất quan trọng. Hãy cố gắng, người khác làm được các bạn cũng sẽ làm đươc.
Đối với sinh viên mới ra trường, theo cá nhân tôi nghĩ thì ngoại ngữ sẽ là yếu tố quan trọng giúp các bạn sớm tìm được viêc. Kỹ thuật công ty có thể training cho các bạn, một vài tháng là các bạn có thể làm được. Còn ngoại ngữ thì không ai training được cả. Các bạn phải tự cố gắng. Nếu các bạn trang bị cho mình một tấm bằng từ N3 hoặc là toeic 700 trở lên, tôi nghĩ chắc chắn các bạn sẽ tìm được một công việc tốt. Đối với tình trạng hiện nay, việc sinh viên biết tiếng Anh khá là nhiều, nó càng ngày trở nên bình thường, nên tỷ lệ cạnh tranh khá cao. Do đó, để chắc chắn có được một công việc tốt tôi nghĩ các bạn nên học tiếng Nhật. Vì sao lại là tiếng Nhật? Tiếng Nhật hiện nay tại Việt Nam mình thì số người biết là không nhiều, tỷ lệ cạnh tranh với các bạn rất thấp. Số lượng công ty Nhật đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt là các công ty phần mềm. Nếu có trong tay một tấm bằng N3 trở lên tôi chắc chắn với bạn là khi bạn apply vào công ty nào mà đang làm việc cho Nhật thì đều được WELCOME.
Công việc thì không phải lúc nào cũng tốt đẹp, nhiều khi khó khăn làm cho công việc trở nên thú vị, sinh động. Để làm cho mọi việc trở nên đơn giản thì bạn thử áp dụng cách dưới đây:
Thứ nhất: Xác định rõ vấn đề là gì?
Thứ hai: Đâu là nguyên nhân vấn đề?
Thứ ba: Chúng ta có những giải pháp nào?
Thứ tư: Bạn chọn giải pháp nào?
Tôi nghĩ với phương pháp trên bạn mất ít thời gian nhất, ít năng lượng nhất để giải quyết một khó khăn.
Trong buổi phỏng vấn việc đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng là cần thiết thể hiện bạn đang rất quan tâm đến công việc đang ứng tuyển, thể hiện bạn có thái độ nhiệt tình với công việc. Vậy những câu hỏi nào giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, câu hỏi nào mà ứng viên nên tránh không nên đưa ra, trước tiên tôi nêu ra môt vài câu nên tránh:
+ Nếu được tuyển dụng, tôi được công ty trả mức lương bao nhiêu?
+ Công ty có chương trình du lịch hè hay không?
+ Ông đã đọc kỹ CV của tôi chưa?
Những câu hỏi này mang tính cá nhân, đòi hỏi ở nhà tuyển dụng chứ không thể hiện tinh thần cống hiến cho tổ chức. Bạn nên đưa ra các câu hỏi thể hiện bạn nhiệt tình với công ty, công việc mà bạn muốn làm ví dụ như:
+ Nếu tôi được tuyển dụng, mục tiêu nào tôi cần hoàn thành trong 6 tháng tới?
+ Tôi có thể hỏi, bao lâu thì tôi được đánh giá năng lực 1 lần?
Khi điều hành nhóm đòi hỏi bạn phải đáp ứng nhiều kỹ năng, một trong những kỹ năng đó là bạn phải nhìn thấy và loại bỏ những trở ngại sớm nhất. Khi dự án vừa khởi động, bị những trở ngại tồn tại, chậm giải quyết thì làm suy yếu đi tinh thần nhanh chóng. Những trở ngại đó ví dụ như: Thiết kế khó hiểu, Q&A chậm trả lời, có thành viên suy nghĩ tiêu cực thì bạn cần phải có những hành động nhanh chóng trước khi vấn đề phát sinh làm kéo tinh thần làm việc của nhóm xuống.